Chúng ta đều biết rằng thương hiệu đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu khi hoạch định chiến lược kinh doanh. Một kế hoạch xây dựng thương hiệu hợp lý sẽ đem lại vô số những lợi thế cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nó còn góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy doanh thu. Đồng thời, vị thế của các doanh nghiệp sẽ được củng cố vững chắc trên thị trường. Vậy, làm thế nào để có được một chiến lược xây dựng thương hiệu hiệu quả? 

Có 3 lưu ý quan trọng khi thực hiện chiến lược thúc đẩy thương hiệu doanh nghiệp.

  1. Lưu ý 1: Logo của doanh nghiệp

Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất trong thương hiệu của một doanh nghiệp. Rất khó để tìm thấy một doanh nghiệp không có logo riêng. Có thể nói logo chính là đại diện cho hình ảnh của một doanh nghiệp. Bởi nó là yếu tố để nhận diện doanh nghiệp với các pháp nhân kinh doanh khác trên thị trường. Logo thể hiện sứ mệnh, mục tiêu, giá trị hoặc những yếu tố phản ánh các đặc điểm đặc trưng nhất của một thương hiệu, được thể hiện thông qua một hình ảnh ấn tượng.

Bên cạnh đó, logo sẽ đồng hành cùng thương hiệu trên mọi phương diện. Từ bao bì sản phẩm, giao diện trang web, đồng phục nhân viên, bảng hiệu công ty hay tất cả các giấy tờ, tài liệu quảng cáo và tiếp thị… tất cả đều chứa logo của công ty. Vì thế,các doanh nghiệp cần thiết kế logo thật độc đáo và ấn tượng. Tuy nhiên vẫn phản ánh được các đặc trưng của công ty so với các doanh nghiệp khác. 

Một logo ấn tượng không có nghĩa là logo rườm rà và chứa quá nhiều chi tiết. Logo nên được thiết kế đơn giản nhưng độc đáo và bắt mắt. Đồng thời, việc lựa chọn màu sắc cho logo cũng rất quan trọng. Màu sắc của logo phải nhất quán và logic với màu sắc riêng của thương hiệu. Điều này sẽ giúp logo dễ dàng đi vào nhận thức của khách hàng. Đồng thời, nó còn khẳng định được tính sáng tạo và chuyên nghiệp của một doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp hiệu quả
Ví dụ về logo của Wanfang – thiết kế đơn giản nhưng chuyên nghiệp
  1. Lưu ý 2: Màu sắc doanh nghiệp

Khi lựa chọn màu sắc cá nhân cho doanh nghiệp, cần chú ý đến 2 yếu tố chính. Bên cạnh phản ánh đặc trưng của mình, doanh nghiệp nên tính đến các yếu tố tâm lý khách hàng. Thực ra, màu sắc ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc nhiều hơn so với chúng ta nghĩ. 

Màu sắc có ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và hành vi mua sắm của khách hàng. Theo một nghiên cứu gần đây (Shortstack, Kissmetrics ), 84,7% người tiêu dùng coi màu sắc là lý do chính để họ mua một sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, quảng cáo có màu được đọc nhiều hơn 42% so với các quảng đen và trắng. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý đến màu sắc của thương hiệu. Một chiến lược xây dựng thương hiệu thông minh sẽ coi màu sắc là yếu tố cần thiết để tập trung đầu tư phát triển.

Màu sắc là một trong những tài sản quý giá của doanh nghiệp

Màu sắc rất quan trọng đối với việc xây dựng một thương hiệu. Một số doanh nghiệp lớn thậm chí còn được cấp bằng sáng chế cho màu sắc riêng của mình. Chẳng hạn, một số màu đã được cấp bằng sáng chế là UPS Brown, Tiffany Blue và Fiskars Orange. 

Năm 1998, United Parcel Service (UPS) đã đăng ký nhãn hiệu chính thức trên màu nâu (UPS Brown) để ngăn các công ty dịch vụ chuyển phát khác sử dụng màu nâu đặc trưng của UPS. Vào khoảng năm 1845, nhà kim hoàn nổi tiếng thế giới, Charles Lewis Tiffany, đã chọn hỗn hợp màu xanh lá cây tươi sáng với một chút xanh lam làm màu chính thức cho dòng trang sức và bao bì của mình. Đến năm 1998, màu sắc này đã được cấp bằng sáng chế với tên gọi Tiffany Blue. Tương tự như thế, Màu Fiskars Orange của công ty Fiskars đã được đăng ký chính thức như một nhãn hiệu ở Phần Lan vào năm 2003 và ở Mỹ năm 2007.

Màu sắc là yếu tố cần lưu ý trong xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp
Màu sắc là yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp
  1. Lưu ý 3: Khẩu hiệu của doanh nghiệp

Khẩu hiệu chính là phương tiện độc đáo để doanh nghiệp truyền tải thông điệp của họ đến khách hàng. Đồng thời, đây là cách để doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Một câu khẩu hiệu hay và ấn tượng sẽ mang lại thành công trong chiến lược xây dựng thương hiệu. 

Subway

Đơn cử một ví dụ là Subway – Chuỗi nhà hàng thức ăn có trụ sở chính tại Hoa kỳ. Subway đã tự định vị mình trên thị trường như một giải pháp ăn uống khỏe mạnh so với các loại thức ăn nhanh khác trên thị trường. Tất cả đều nhờ vào câu khẩu hiệu “eat fresh” – ăn sạch. Khách hàng có tâm lý lo sợ các vấn đề sức khỏe mặc dù họ thích hoặc bắt buộc phải sử dụng thức ăn nhanh trong khẩu phần hàng ngày. Trong khi đó, khẩu hiệu này có thể thuyết phục được khách hàng lựa chọn các sản phẩm của Subway như một giải pháp ăn uống lành mạnh. Khẩu hiệu của Subway đã trở thành một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất thế giới. 

Xây dựng thương hiệu và các lưu ý
Khẩu hiệu của Subway đã trở thành một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất thế giới

Trong các năm qua, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sử dụng những câu khẩu hiệu độc đáo để nói với thế giới điều gì làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ trở nên đặc biệt hoặc khác biệt. Khẩu hiệu có thể trở thành trung tâm của bản sắc công ty – và ngược lại, khẩu hiệu cũng có thể gửi sai thông điệp và thực sự khiến khách hàng bỏ đi. Vì vậy, hãy lưu ý việc sáng tạo một thông điệp sáng tạo cho thương hiệu của bạn để khách hàng lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp bạn nhé!

Xem thêm các bước xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp tại đây.

Author

Write A Comment