Thương hiệu là điều kiện cần thiết để một doanh nghiệp khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Nói cách khác, để doanh nghiệp của bạn thành công, xây dựng thương hiệu là một yếu tố bắt buộc. Vậy, như thế nào là xây dựng thương hiệu? Tại sao xây dựng thương hiệu lại có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp? Hãy cùng nhau tìm hiểu ở bài viết này nhé!
1. Thương hiệu là gì?
Trước khi đi sâu tìm hiểu Xây dựng thương hiệu là gì, hãy cùng làm rõ khái niệm “thương hiệu”. Hẳn chúng ta đã từng nghe qua những thuật ngữ như logo, khẩu hiệu hay trang web. Hay thậm chí nhiều người còn sử dụng chúng như những từ đồng nghĩa với “thương hiệu”. Các thuật ngữ này cho chúng ta những hình dung cơ bản nhất về thương hiệu. Đó là những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển thương hiệu của bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, chắc chắn đây không phải là định nghĩa đầy đủ nhất về thương hiệu.

Các định nghĩa về thương hiệu
Hiện nay, có khá nhiều cách định nghĩa khác nhau về thế nào là thương hiệu. Theo định nghĩa của AMA (American Marketing Association – Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ) (1988), “thương hiệu là tên, thuật ngữ, thiết kế, biểu tượng hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác xác định hàng hóa hoặc dịch vụ của một người bán và phân biệt chúng với hàng hóa hoặc dịch vụ của những người bán khác”. Mặc dù đây là một định nghĩa khá cổ điển nhưng nó đã bao hàm một cách đầy đủ nhất khái niệm thương hiệu. Hay Investopedia cũng đưa ra khái niệm về thương hiệu như sau: “thương hiệu đề cập đến một khái niệm kinh doanh và tiếp thị giúp mọi người xác định một công ty, sản phẩm hoặc cá nhân cụ thể”.
Thực tế, các thương hiệu vây quanh chúng ta mỗi ngày. Từ những ly cà phê buổi sáng, chiếc taxi đưa bạn đến các cuộc họp hay các thiết bị công nghệ mà bạn đang sử dụng. Hầu hết các mặc hàng xung quanh chúng ta đều nó nhãn hiệu, biểu tượng và tên. Đó chính là thương hiệu. Vậy, từ những định nghĩa trên có thể rút ra một định nghĩa chung nhất về thương hiệu như sau: Thương hiệu là tất cả các dấu hiệu bằng hình ảnh, tên gọi hoặc ký hiệu, màu sắc nhằm phân biệt các sản phẩm và dịch vụ giữa những người bán với nhau.
Xem thêm về các chiến lược kinh doanh cơ bản và quy trình xây dựng chiến lược kinh doanh tại đây)
2. Xây dựng thương hiệu là gì?
Khi đề cập đến xây dựng thương hiệu, chúng ta cần hiểu rằng có 2 loại xây dựng thương hiệu. Đó là xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp. Bài viết này chỉ tập trung phân tích về xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Đây là một chiến lược tuyệt vời để quảng bá và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Thương hiệu doanh nghiệp hiểu một cách khái quát nhất, chính là danh tiếng của doanh nghiệp trong một lĩnh vực cụ thể. Vì thế, xây dựng thương hiệu là việc đưa danh tiếng của doanh nghiệp lan rộng khắp thị trường. Đó là toàn bộ các nhiệm vụ liên quan đến tạo hình ảnh tích cực về doanh nghiệp và sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp, tiếp thị và phát triển hình ảnh đó, phát triển sứ mệnh và giá trị kinh doanh, định vị doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời, củng cố mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Làm gì để xây dựng thương hiệu?
Để xây dựng được thương hiệu của mình, trước hết, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi:
- Doanh nghiệp của bạn là ai?
- Doanh nghiệp của bạn mang giá trị gì?
- Nhiệm vụ của doanh nghiệp là gì?
- Nhận dạng doanh nghiệp là gì?
- Làm thế nào để doanh nghiệp của giao tiếp với khách hàng?
Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp cá nhân hóa thương hiệu của doanh nghiệp, tạo ra một hình dung và ấn tượng duy nhất đối với khách hàng.
Sau đó, nhiệm vụ cần làm là xây dựng bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Nó bao gồm: logo, khẩu hiệu, màu sắc, bao bì, thiết kế trang web… Chẳng hạn, màu sắc chính thức của Apple – Tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ là đen và xám. Logo của công ty này là hình quả táo khuyết (xem hình dưới). Hiện nay, không thể phủ nhận rằng khi nhắc đến Apple, hầu hết chúng ta đề liên tưởng đến các sản phẩm công nghệ với biểu tượng quả táo khuyết phía sau. Đây chính là minh chứng cho ý nghĩa của việc phát triển thương hiệu nói chung và phát triển bản sắc doanh nghiệp nói riêng. Đồng thời cũng là một ví dụ thành công về xây dựng thương hiệu.

3. Tại sao cần phải xây dựng thương hiệu trong kinh doanh?
Theo thống kê của Forbes, màu sắc làm tăng mức độ nhận biết thương hiệu lên 80%. Việc xây dựng thương hiệu trên tất cả các nền tảng làm tăng 23% doanh thu của một công ty. Các nền tảng này có thể là bao bì, trang web quảng cáo ngoài trời… 64% người tiêu dùng nói rằng các giá trị được chia sẻ truyền cảm hứng cho sự tin tưởng vào thương hiệu. Những con số này phần nào phản ánh giá trị mà việc phát triển thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp.
Cùng điểm qua các lý do tại sao cần phải xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Tăng nhận thức về thương hiệu
Nhận thức về thương hiệu chính là sự công nhận thương hiệu của bạn. Nó bao gồm cả sự công nhận trong nhận thức của khách hàng và trên thị trường. Khi thương hiệu của bạn đã được công nhận ở một mức độ nhất định, nghĩa là sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh chính là một trong những ưu tiên hàng đầu mà khách hàng nhớ đến khi họ có nhu cầu mua sắm. Nhận thức về thương hiệu càng tăng, doanh nghiệp càng củng cố được vị thế của mình.
Tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ
“Trăm người bán, vạn người mua” là câu nói đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Bởi vì hiện nay, số lượng người kinh doanh tăng lên ngày càng nhiều. Thị trường kinh doanh hiện tại đang là cuộc đua, là sự cạnh tranh khốc liệt giữa những người bán. Vì thế, xây dựng thương hiệu chính là cách để bạn nổi bật hơn so với đối thủ. Khi chiến lược này của doanh nghiệp càng hiệu quả thì doanh nghiệp càng dễ dàng thuyết phục được khách hàng rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp bạn là lựa chọn tối ưu nhất.
Xây dựng và củng cố sự tin cậy của khách hàng
Một công ty có thương hiệu mạnh không chỉ tạo ấn tượng về sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp mà còn củng cố niềm tin ở khách hàng. Bên cạnh đó, nó còn giúp xây dựng niềm tin ở khách hàng. Theo một nghiên cứu của Edelman Trust Barometer năm 2021, lòng tin đứng thứ ba trong số các yếu tố giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định về thương hiệu.

Tất nhiên, mọi người thích mua sắm từ các thương hiệu quen thuộc với họ mà họ đánh giá cao. Quan trọng hơn, họ lại có tâm lý e ngại đối với những thương hiệu mà họ chưa biết tới. Vì thế mà chiến lược xây dựng thương hiệu càng trở nên thiết yếu. Điều này sẽ khuyến khích khách hàng tiềm năng và hiện tại tiếp tục tin tưởng và ủng hộ sự nghiệp của doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu là yếu tố quyết định đến sự thành công trong kinh doanh. Chiến lược phát triển thương hiệu tốt sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. Vì vậy, hãy bắt đầu cá nhân hóa thương hiệu cho doanh nghiệp ngay hôm nay.
Tham khảo 5 yếu tố xây dựng để xây dựng thương hiệu thành công cùng WanFang nhé!